Bài Hoan Ca Ở A 38 (12+13)

Chu Trầm Nguyên Minh

Screen Shot 2014-02-25 at 7.06.09 PM

Phần 12

_______________

Chuyện giáo sư biệt phái được “thả 50%” là tin vịt, mà là vịt cồ nữa, vì chẳng có ai được thả cả. Giáo sư H ngã bệnh, anh hy vọng quá nhiều, nỗi thất vọng trở nên quá lớn, nó quật ngã anh không thương tiếc. Anh nằm trên chiếc chiếu số 2, cùng phòng 2 với Hắn.
Anh rên hừ hừ.
-Lát nữa trại viên V sẽ tẩm quất và xông cho anh.
-Không cần đâu.
Hắn ái ngại:
-Anh bệnh…   không nhẹ.
Anh H tung mền khỏi đầu:
-T này…
-Dạ…
-Có khối nào…   giáo sư…   được về không?
-Dứt khoát…   không.
Vẻ nghi ngờ:
-Vậy…  tại sao lại có tin?
Hắn cố cười.
-Tin vịt cồ đó mà.
-Vịt cồ?
Hắn cúi xuống nói nhỏ vừa đủ H nghe:
-“Đừng nghe những gì CS nói….”
Anh H trợn mắt. Hắn cười như thỏa mãn khi đã nói được điều muốn nói.
-Anh nghỉ đi…   Tôi xuống bếp xem họ nấu cháo cho anh chưa.
Hôm nay là ngày cuối cùng được nghỉ tự do, ngày mai sẽ bắt đầu học bài thứ nhất, mỗi bài học kéo dài bảy ngày, ngày đầu: lên lớp nghe cán bộ giảng bài, ngày hai lên lớp, nếu cán bộ giảng chưa xong thì giảng tiếp, khi nhiệm vụ cán bộ xong, đến phần giải đáp thắc mắc, những điều chưa rõ, học viên đưa tay được cho phép mới đứng lên phát biểu. Ngày thứ ba trở đi, làm bài Thu Hoạch, thông qua tổ rồi tập họp, khối nào nộp lên Trung Đoàn theo khối đó. Thu Hoạch là sau khi nghe cán bộ dạy ở giảng đường, viết và phân tích lại nội dung, và đưa ra kết luận. Kết luận mang tính chủ quan của từng cá nhân…   nhưng không lạc ngoài chủ đề của bài học. Thường mỗi bài người ta ghi hay nói rõ mục đích yêu cầu, cứ căn cứ vào đó mà “tán”. Chương trình có 10 bài, học xong chỉ hơn một tháng. Đây là thời gian nhẹ nhất, chỉ nghe và viết, nhưng chủ nhật không được nghỉ, phải tranh thủ đi lao động.
-Anh nấu cháo cho người bệnh chưa?
-Chín rồi…   khối trưởng.
-Anh múc một ca…   đem lên cho anh H giùm tôi.
-Dạ…
Hắn sửa bước đi.
-Anh khối trưởng… anh ăn một chén.
Hắn ngạc nhiên:
-Trời đất…   có bệnh đâu mà ăn.
-Anh mới bệnh dậy…   trông anh yếu quá…
-Cảm ơn nhiều…
Hắn cười thành tiếng:
-Tôi bây giờ khỏe như voi… nếu có em nào ở đây tôi…   tôi…
Như giải vây cho Hắn.
-Em hiểu…   khối trưởng.
-Tốt rồi…   bye nhe.
Lúc vui Hắn thường “bye nhe”, dù ở đây tối kỵ nói pha tiếng Mỹ, điều cấm, ít ai dám phạm.
-T.Đ đâu…  T Đ…
-Cái gì mà ỏm tỏi vậy?
-Tuần tới sẽ cho thăm nuôi.
-Rồi sao?
-Thì sao nữa…
Hắn ngập ngừng rồi cười cầu tài:
-Tôi quên mất là ông chưa vợ…
-Chưa vợ …
-Ông cứ… để rài…   lâu ngày nó mục…
-Ai mượn ông lo.
-Thương bạn vậy mà…
Hai đứa rủ nhau tìm C, người mới vô đợt chót, di cư 54, học cùng khóa Sư Phạm QN 1962, dạy Văn, ốm tong, ốm teo, nhưng nổi tiếng “gan lì”. Đ nói:
-Thằng C coi vậy…   mà số dzách…
-Số dzách?
-Chớ còn gì nữa!
Hắn vô trại và được biên chế vào khối 7, ngày trước ngày sau là cãi lộn với cán bộ trung đoàn phụ trách khối. Hắn đấu lý tay đôi, căng thẳng, có lúc hai bên cùng to tiếng…   Hắn đuối lý, “cãi không lại CS” bèn phán “Khẩu phục, tâm bất phục”.
Chuyện đồn ầm ỹ, cả trại đều biết. Trả giá cho việc này, C phải viết kiểm điểm, bị gọi lên Trung Đoàn, viết lại 3 lần. Không biết C viết những gì trong 3 bản kiểm điểm bị trả lại đó. Chỉ biết ở bản Kiểm Điểm thứ 4, bản cuối cùng, Hắn chỉ viết một câu đã nói “Khẩu phục, Tâm bất phục”. C đón trước cửa phòng.
-Hai ông…   sướng quá hen.
Đ cười.
-Đâu có bằng ông…
T chêm.
-Nổi tiếng…
C cướp lời:
-Thôi…   thôi…   mấy ông im cho tớ nhờ… nổi tiếng cái… con khỉ…
Đ giải hòa:
-Thôi…   không nói chuyện…   “bất phục” nữa…   Ta nói chuyện…
T bỗng vui:
-Chuyện đời…  chơi…   được không?
C kéo hai bạn vào phòng, nhìn các bạn trong tổ, đang nằm ngồi, tán phét.
-Các bạn…   cho tôi tiếp hai ông “ôn quàn hột vịt lộn” này…   chút nhe.
-Cứ tự nhiên…   nhưng…
-Nhưng…   làm sao?
-Đừng nói chuyện…  “Tâm Phục” đấy nhé.
-Xưa rồi tám!
Cả ba ngồi trên chiếu của C, nó mở xách lôi ra một gói Pall Mall, thứ mà T thích nhất; một gói đường…
Nói với Đ:
-Ông không hút thì lấy cái này…
Quay nhìn T, C tiếp:
-Thứ ông thích đây…
T cảm động:
-Đàn bà…   mà vẫn có thuốc cho bạn hiền…
-Thằng quỷ…   muốn ta lấy lại chắc?
C không rượu, không thuốc, không gái…   nên bị cho là “đàn bà”.
-Ông cụ ở PT có khỏe không?
-Lúc PT giải phóng, ổng run lập cập, người ta nói CS sẽ diệt bọn di cư 54, lũ bỏ tổ quốc XHCN, chạy vào Miền Nam, theo Giặc. Tội nghiệp, mỗi lần có VC đến, dù bất cứ lý do gì, ổng cũng sợ “té đái” trong quần…   Bây giờ thì khá hơn rồi…   vẫn cứ sợ…   nhưng không còn “ướt quần” nữa. Chị Nhung nói như thế…   chứ tao đâu có ở nhà…
-Lúc họ vô… ông ở đâu?
-Thì ở đâu nữa, ghim súng ở Hộ Diêm…   Đơn vị của tao được điều về đó từ trước.
Hắn nhớ lại chuyện: có một đàn sâu từ vùng núi phía tây Cà-Rôm, bò dày đặc ra biển, dân PR lúc đó xôn xao, bàn tán chuyện này.
-Đàn sâu băng qua Quốc lộ 1 ở khoảng giữa Ba Tháp –Hộ Diêm…
-Xe chạy qua, cán nghe lộp bộp…  lớp sống bò lên lớp chết…   di chuyển tiếp…   về biển.
-không thấy đầu và cũng chẳng thấy đuôi…   sâu ở đâu mà nhiều như thế không biết…
-Điềm…   Điềm xấu…   phải chạy về phía biển…
Hồi đó Hắn cũng chỉ nghe mà không thấy.
-Này…   chuyện đàn sâu… ông ở đó, thời điểm đó…  có thiệt không?
-Ôi, hơi sức đâu mà nghe lời đồn nhảm…
-Thiên hạ nói… có… họ thề là chính mắt nhìn thấy…
-Tôi cũng nghe…   đến điếc cái lổ tai…   nhưng đầu óc đâu mà kiểm chứng…   chết sống ở sát bên mình…
-Chuyện lạ quá.
-Tụi quỷ sứ… chuyện tầm phào… nhắc lại làm chi…
Hắn nhìn C, có thời gian hai đứa cùng ở trọ một nhà, C dạy giờ ở một trường dành cho người dân tộc Chàm, bên kia Cầu Móng –Tháp Chàm. Buổi sáng C dạy sớm, chẳng kịp ăn sáng, cà phê, chèo cái xe đạp sườn ngang ra đi, qua Sân Banh, Phan Trung, NLS, Mỹ Đức, Tháp Chàm, Cầu Mống… mới đến nơi. Vào lớp, hai giờ đầu vừa dạy vừa thở. C nói “mệt nhưng vui”, mà không nói rõ là vui vì cái gì [?].
Đ cười cười.
-16 tháng 4…
-Biên chế vào Lá Chắn Thép-phía Bắc…  trấn giữ Cao Điểm 105.
-Giữ được bao lâu?
-Đêm 15/4, từ chỉ huy cho đến lính, tự do “Di Tản Chiến Thuật”. Tôi cũng cổi áo, tuột quần, giả dạng thường dân chạy về hướng Biển…   chạy dọc bờ, cuối cùng trốn ở vùng núi Sơn Hải. Phe ta tan rã từ trong ruột, một tiểu đội VC có thể rượt một tiểu đoàn chạy bắn khói ra sau đít, chỉ có chạy và chạy chứ có đánh đấm gì đâu.
Ba đứa nhìn nhau, Hắn tán thán.
-Thôi…   không nói chuyện này nữa.
-Ông khươi ra chứ ai… chuyện như thế…   nói nữa, chỉ có cắn lưỡi mà chết.
-Rồi sao nữa?
-…  trốn 15 ngày…   ăn cua, nuốt ốc… chịu đói thì được nhưng khát thì chịu không nổi…  phải mò ra… bị tóm.
-Đưa vào đây?
-Sau khi… bị nhốt…   tra khảo…   khai lý lịch… rồi đưa vào đây… nhưng…
-Nhưng sao?
-Trước khi đi…   họ cho ra chợ mua ít thứ…
-Và mày mua những thứ này cho tụi tao?
-Tao đoán tụi bay…   chạy trời không khỏi nắng…   Lũ biệt phái ở các trường NT thì phải vào A.38…   không khác hơn được.
-Khá khen… bạn hiền.
Ba đưa chia tay, và hứa với nhau là sẽ lì cỡ Papillon.
Hắn nói với Đ:
-Nhớ giữ gìn sức khỏe.
-Ông cũng vậy.
Hôm nay bỗng dưng trời mù, những đám mây đen vần vũ trên bầu trời, gió cũng thổi mạnh hơn thường lệ, Hắn về lại khối.
-Kỳ khu… Kỳ Khu…
Hắn nghe tiếng Hạt Mè gọi.
-Chuyện gì thế?
-Đến đây…   hay lắm.
Hắn đến bên gốc cây Trứng Cá, nơi Hạt Mè làm “lớp” dạy chim.
-Lũ chim đâu rồi?
-Ta cho nó tự do… về với bầu trời rồi.
-Sao lại thả đi…   chúng đã…
-Đúng,  chúng đã biết nghe lời…   nhưng tớ thấy tội nghiệp quá.
-Tội nghiệp?
-Phải…   cá chậu…  chim lồng… như tụi mình.
-Đừng so sánh…   nó lâm li ra…   Chuyện gì “hay lắm” nói mau…
Lần đầu tiên Hắn thấy vẻ mặt sung sướng của Hạt Mè…
-Sát đây…   bí mật…   nói nhỏ…
Hắn như kề tai, chờ nghe.
-Hồi hôm…   hồi hôm
-Hồi hôm… tự nhiên… lại cà lăm…
-Có thằng viết “Đả Đảo CS” ở vách Cầu tiêu.
Đó không phải là vách như Hạt Mè nói mà là một bức tường xây cách điệu, rộng chừng 8m2, có hai cột bằng ciment cốt thép, nâng lên khỏi mặt đất chừng 0m3, mặt hướng Đông, nhìn ra đường, phủ lớp sơn màu xanh lá cây, trên đó, thời trước, có câu “Sư Đoàn 44 Bộ Binh-Sông Mao” viết bằng sơn màu Đỏ. Câu này được xóa từ ngày Cách Mạng sử dụng nơi này làm trại cải tạo …
-Đứa nào…   ngon vậy?
-Nghe đâu bên khối đại úy…  và…
-Sao?
-Sau 2 giờ phát hiện…  thủ phạm bị bắt ngay.
-Nhanh thế à?
-Có chỉ điểm… ăn-ten chúng rãi khắp nơi…  coi chừng thằng nằm bên nách…
-Biết rồi…
– Kỳ Khu…  Nó viết hai lần rồi, lần này là lần thứ ba…   mới bị tóm…
-Lần thứ ba?
-Lần thứ nhất, nó viết: “đừng nghe những gì CS nói”; lần thứ hai nó viết: “CS là quân bán nước” và lần này…
-Hiểu rồi…
Hắn bước đi, thì bị gọi giật ngược.
-Còn cái này.
-Cái gì nữa đây?
-Chúa…   Chúa…   bị chặt 15 khúc.
-Chúa…   tôi sẽ tính sổ với ông…
Hắn ba chân bốn cằng, đi như chạy, rời xa người bạn bất đắc dĩ. Hắn có nghe chuyện “Chúa bị chặt 15 khúc”. Có lúc tò mò, Hắn muốn đến xem…   nhưng rồi công việc và cũng vì sợ…   nên lần lửa mãi chưa đi…   Cách nay hơn tuần có tin Trung Đoàn đã biết và đã tịch thu, mang Chúa về bỏ ở đống củi tập thể. Chúa đã bị đốt lò rồi…   Trong đầu Hắn như quên mất chuyện này, nay lại được nhắc…   Hắn bỗng thấy xốn xang trong lòng, lẩm bẩm như một thằng khùng…  Chúa …15 khúc… Chúa…   15 khúc.
Tiếng còi xa xăm chưa gọi, Hắn nghe trong không gian như có lời cầu, lời buồn thánh. Trên cùng và tận cùng nỗi khốn khổ của kiếp người, luôn có nước mắt của Chúa.

Phần 13

_______________

Người phải chặt chúa ra làm 15 khúc là trại viên tên Hoàng, thuộc tổ 3 khối 10, trung úy sư đoàn 23 Bộ Binh Ngụy, tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật Gia Định, bị động viên khóa 24 Bộ Binh Thủ Đức. Tháng 3/1975 VC tràn ngập Cao Nguyên, đơn vị bị xóa sổ, chạy theo đoàn người di tản về Nha Trang, rồi Cam Ranh, Phan Rang… và bị bắt ở Cà Ná. Hoàng là một trong những người đầu tiên bị đưa vào A.38…
Hoàng cầm cái bao cát, loại bao nhỏ, Mỹ Ngụy cho cát vào, cột đầu lại, rồi chất thành công sự, ngăn hỏa lực.
Người bếp trưởng hỏi:
-Ông làm gì…   đứng sớ rớ ở đây?
-Tôi…   tôi…
-Tôi làm sao? Nói mẹ nó ra…   ĐM, cứ tôi…   tôi…   thì ai biết cái gì.
Hoàng nói mau:
-Tôi muốn gởi cái này ở đây.
-Gởi gì? Đưa coi.
Hoàng đưa bao cát.
-Đá…   Đá…   hai cục.
-Phải…   đá.
-Thằng ông nội… Hết chuyện rồi hay sao…   gởi đá…   mà để làm gì? Không đem vô phòng ngủ, để trên đầu chiếc chiếu, tại sao lại gởi ở đây?
Hoàng đưa tay chỉ vào góc khuất của cái bếp:
-Tôi muốn…   anh cho tôi để chỗ này…
-Sợ gì khi…   nó chỉ là hai cục đá…
-Chẳng sợ gì…  đá mà…   nhưng…
-Nhưng làm sao?
-Họ thấy…   nghi ngờ…  rồi hỏi tới hỏi lui…   mệt lắm…
-Phải, có khi còn đập ra xem có giấu cái gì trong đó không nữa.
-Phải…   vì vậy…
-Thằng ông nội… mày nói cho tao biết tại sao mày muốn giữ hai cục đá này.
-Tôi…   tôi…
-ĐM…   tao ghét đứa ấp úng, không có gì khó nói trên cuộc đời này cả…   mày hiểu không?
Hoàng nghĩ, không nói, thằng bếp trưởng khó chấp thuận.
-Tôi chỉ muốn dùng nó để mài…
-Mài…   mài cái gì?
-Phải…   tôi sẽ làm một bộ dao lớn có nhỏ có…
-Chỉ với hai cục đá?
-Phải.
-Mày không nhớ nội quy cấm dùng dao, vật nhọn… sao?
-Tôi thuộc nằm lòng.
-Thuộc nằm lòng…  mà vẫn làm. Mà mày làm dao để làm gì…   mày định lụi ai chắc?
-Không lụi ai cả…
-Không lụi thì làm dao để làm gì?
Hoàng nói mau:
-Tặng vợ!
Bếp trưởng kinh ngạc:
-Tặng vợ?
-Tặng vợ… hiền.
Bếp trưởng ngửa mặt, đau khổ:
-Lại gặp… thi sĩ… nữa rồi…
-Ai thi sĩ?
Bếp trưởng như không nghe, tán thán:
-Sao tui cứ phải gặp bọn…   đi mây về gió…   khùng khùng…   điên điên… thế này mãi hở trời…
Rồi lẩm bẩm:
-Tặng vợ… mà còn… hiền… nữa, trời ạ.

Hoàng quê Bình Tuy, bếp trưởng La-Gi, cách nhau có một đoạn ngắn ngủn, lại cùng vào Thủ Đức K.24, nhận ra nhau rồi…   Thi Sĩ và Bếp Trưởng thân nhau như bạn, một bên ăn nói như…  thi sĩ, một bên bổ bã, văng tục, chửi thề… Hai người như hai thái cực lại “tâm đầu ý hiệp”.
Trại viên Khối 10 nói “tụi nó bê đê”.… Bếp trưởng sừng cồ, tức khí, văng tục. Thi sĩ chỉ cười không có ý kiến gì…   Balô của Mỹ, phần tiếp giáp với lưng người mang có hai mảnh kim loại bắt chéo thành hình chữ x, đó là hai mảnh thép nhẹ, cứng.
… .. …

…   Bếp trưởng ôm một bó củi, từ nơi tập trung chất đốt của khối 11, đi về hướng nhà bếp, ngoắc Thi Sĩ:
-Tao cho mày cái này.
Thi Sĩ hỏi:
-Cái gì thế?
-Nẹp balô.
Thi sĩ mừng ra mặt, vì đây là vật hai đứa tìm mãi.
-Ở đâu thế?
-Hai nẹp…  đủ chưa.?
-Đủ.
Bếp Trưởng chôn hai nẹp thép dưới nền bếp chỗ để lương thực khô nhưng không an tâm.
-Mày thấy…
-Rất kín.
Số gỗ mun Thi Sĩ góp nhặt từ những lần lên rừng, mãi tận vùng giáp ranh Định Quán, mang về cho toán trại viên Mộc, làm đồ gia dụng cho cán bộ, đã khá nhiều…   Bếp trưởng ngụy trang để chung trong đống củi nhà bếp, canh chừng rất nghiêm ngặt.
Theo kế hoạch, Bếp trưởng gói 3 củ khoai lang lùi tặng Khối Trưởng, và đề nghị:
-Cho tăng cường trại viên Hoàng vào biên chế nhà bếp, lý do “thằng này biết nấu ăn, lại siêng năng”.  Khối trưởng vừa nhai khoai lang lùi, vừa nói:
-Tao thấy nó…   ốm như ho lao… coi chừng lây cả đám thì bỏ mẹ.
Bếp trưởng chống chế:
-Nó mình dây…   khỏe dẻo dai… và nhất định không có tính ăn…   vụng.
-Hôm nào có món “cải thiện”…   thì đừng quên tao.
Bếp Trưởng nghe khối trưởng, dânTrâu Điên, nói thế là biết xong rồi.
-Nhất định rồi.
Từ hôm biên chế vào tổ nhà bếp, lại được bếp trưởng tiếp tay, Thi Sĩ bắt đầu vẽ Chúa trên một tờ giấy, xé ra từ vở tập viết của học sinh tiểu học, Chúa giăng tay chịu tội trên thập tự giá, tổng chiều cao 0,m8. Thân hình Chúa bị Thi Sĩ cắt chia, đánh số. Căn cứ theo số gỗ mun trải ra trên nền bếp đã chia làm ba nhóm, nhóm đầu, nhóm mình và nhóm tứ chi…   Sự cắt chia thân thể Chúa, bị tẩy xóa, làm lại nhiều lần…   Cuối cùng, Chúa bị chia ô, đánh số thứ tự từng ô, từ đầu xuống ngón cái bàn chân phải…   tất cả là số 15. Chúa bị chặt 15 khúc.
Thi Sĩ đêm đêm chui vào nhà bếp, chặt, cắt, gọt, đẽo… bằng bộ dao “tặng vợ hiền”. Thời gian dần trôi …
-Mày có nhiệm vụ…   chôn giấu những khúc…   đã xong.
-Tao biết rồi.
-Đây là hai chân của Chúa…   4 khúc…
Bếp trưởng nhận từ Thi Sĩ 4 đoạn gỗ Mun, đã được chà láng bóng, nước đen, pha vàng nổi lên óng ánh. Nó chẳng hiểu, và cũng chẳng hình dung được những đoạn gỗ thế này…
-Nhớ thật kín đáo…   đừng để…
-Tao hiểu rồi… việc của mày mày làm…   việc của tao tao làm…
Bếp trưởng bỏ 4 khúc gỗ vào một bao cát, vừa cười vừa nói:
-Yên chí đi, Thi Sĩ.  Và lách người ra khỏi bếp.
Lần lượt nhận, lần thứ hai, thân mình của Chúa 5 Khúc, lần thứ 3, hai cánh tay của Chúa 3 khúc. Bếp trưởng cũng bỏ vào bao cát, đem giấu.
Một hôm đang chèo cây sới cơm, đảo gạo trong chiếc chảo đại, nước sôi ùng ục, mồ hôi nhễ nhại, ngó quanh thấy chỉ có hai đứa:
-Còn mấy khúc nữa? Sao lâu vậy?
-Còn ba khúc…
-Có trở ngại gì? Thiếu gỗ à?
-Không…   không.
-Không thiếu thì tại sao lâu quá vậy?
-Tao…   tao…
Bếp trưởng nổi nóng, nhưng cố ghim tiếng rít trong cổ họng:
-ĐM, tao chúa ghét ấp úng. Có gì cứ nói mẹ nó ra.
-Phần đầu của Chúa…
-Thì sao?
-Phải…   phải…   chẻ làm 3 khúc!
-Ba khúc…  như chân tay chứ gì?
-Cắt mặt Chúa làm 3…
-Rồi sao?
Hai con mắt của Thi Sĩ bỗng có dòng nước chảy xuống má. Bếp trưởng nhìn thấy.
-Quỉ thần…   khóc hả?
-Không…   khói bếp, chảo cơm sôi…   làm tao chảy nước mắt…
Sự thật là khi cắt gọt đến ba khúc làm thành cái Đầu của Chúa, Thi Sĩ run tay, cho dù cắn chặt hàm răng…   cũng bật khóc…   Sự khổ đau Người đã chịu, nay lại phải chặt đầu Người làm ba khúc, “con lại xẻ nát mặt Người”…   Nó không đành, nó không cầm được nước mắt. Làm xong ba khúc đầu của Chúa, nó kiệt sức, giao cho bếp trưởng xong là ngã bệnh…   Số lượng chốt gắn 15 khúc lại để thành tượng Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá, và cả cây thập tự giá làm bằng gỗ Dâu, Thi Sĩ chôn dưới đống củi.
-Mày…  mày…  tao nói thiệt…
-Thôi mà…   mày thương tao thì đừng nói gì nữa.
-Ăn chút cháo…   Thi Sĩ…
-Cảm ơn Bếp trưởng.
Ba ngày sau là Thi Sĩ khỏe lại, thời gian vẫn còn trống trải phía trước, một số ít lao động, một số nhiều thì chơi tự do. Chuyện chia Chúa làm 15 khúc vẫn trong vòng bí mật, chỉ có Thi Sĩ và Bếp Trưởng biết.
-Tao muốn biết Chúa bị mày đóng đinh…   trông như thế nào.
Thi Sĩ, đêm nằm cứ tưởng tượng, hình dung Chúa khi được ghép lại, và cũng nôn nóng không kém Bếp Trưởng.
-Chờ dịp…
-Chỉ sợ bọn ănten thôi…
Cuối cùng rồi dịp may đã đến. Cả khối tập trung xem văn nghệ, do đoàn Văn Công giải phóng trình diễn, Thi Sĩ giả bị trúng gió, Bếp Trưởng trực bếp, giữ kho…   Chờ đêm văn nghệ bắt đầu, tiếng vỗ tay rào rào từ xa…   hai đứa chui vô bếp… bắt đầu khâu ghép lại những khúc gỗ, thịt xương của Chúa… Hình tượng Chúa cao 0m8, bị đóng đinh trên thập tự giá hiện dần. Trong bóng lờ mờ, Chúa như đang khóc…   Thi Sĩ khóc…   Bếp Trưởng bỗng cũng khóc…   Lúc ấy “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” tiếng ca từ xa vọng lại, ngân dài trong sương đêm.

Bếp Trưởng là người mau miệng, dù hứa “không nói với ai”, nhưng tin Chúa bị chia 15 khúc, được rỉ tai. Nhiều lần một hai trại viên đến, đề nghị cho xem “tớ là công giáo…   nghe Chúa khóc…  ” và Hoàng không thể chối từ, một, hai, ba… lần cho xem… rồi liều mạng “chơi luôn” như đề nghị của Bếp Trưởng. Thậm chí, Chúa được gắn vào vách bếp cho ai muốn chiêm ngưỡng Chúa thì cứ đến. Cán bộ Trung Đoàn xuống, một, hai, ba…   và nhiều hơn nữa, họ nhìn yên lặng…   rồi ra về. “Đó là tự do của các anh”, có cán bộ còn nói như vậy. Hoàng bớt sợ, Bếp Trưởng cười toe toét, xem đó như một chiến công của mình. Một hôm cán bộ Trung Đoàn A chi viện, nói giọng Hà Nội, đứng nhìn sững Chúa một lúc khá lâu, rồi nói:
-Tôi chưa thấy tượng Chúa nào…  ”sống” như tượng này.
Hoàng hỏi:
-Cán bộ nói “sống” là thế nào?
-Là như thật…   Máu của Chúa đang chảy… cũng như thật…   nhưng…
-Thưa?
-Anh phải hủy Chúa đi, đừng để quá trễ.
Nói xong A, chi viện bước ra khỏi bếp, đi nhanh về phía Trung Đoàn, đó là người có thân hình ốm, xanh xao…   Hoàng có gặp vài lần… Đôi mắt của cán bộ A chi viện ráo hoảnh, nhưng giọng nói thì đầy cảm xúc…   Dư luận nói Bếp Trưởng đã đem những khúc xương thịt của Chúa nộp cho Trung Đoàn như một hành động hối cải, biết việc mình làm đã sai. Cũng có nguồn tin là cán bộ Trung Đoàn xuống tận nơi thờ Chúa, trong cái bếp có đến 3 cái chảo đại, đầy bồ hóng … để tịch thu. Chưa biết sự thật là thế nào, nhưng có điều chắc chắn là những đoạn gỗ, xương thịt Chúa, được ném vào đống củi của bếp ăn Trung Đoàn.
………..

 

3 thoughts on “Bài Hoan Ca Ở A 38 (12+13)

  1. Từng ngày…Từng ngày trong âu lo với biết bao là chuyện…Sống chết với cuộc chiến…Đồng đội-Tình thắm thiết với bao sự chuyển biến….Niềm tin đấng vô hình- môt niềm tin thánh thiện – mơ hồ đầy ngờ vực -giấu diếm chờ thử thách….Nỗi niềm riêng khó nói đang xâm chiếm trong từng mỗi trái tim?

  2. Cac ban da co trong tay tac pham BAI HOAN CA O A38 chua ?

  3. Nguyên Vi nói:

    Em đã đọc, Thầy ơi!

Comment